Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), Đà Nẵng đã mở rộng không gian đô thị với biết bao đổi thay kỳ diệu.Trong đó, những cây cầu bắc qua dòng sông Hàn như những điểm nhấn kiến trúc tạo nên dấu ấn riêng của Đà Nẵng và là điểm tham quan độc đáo hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài.

Những cây cầu bắc qua sông Hàn

Cầu Sông Hàn

Chiếc cầu quay đầu tiên của cả nước, khánh thành năm 2000. Cầu có chiều dài 487,7m và rộng 12,9m, gồm 11 nhịp nối liền hai tuyến đường trung tâm giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà – hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn và đường Phạm Văn Đồng.

Những cây cầu bắc qua sông Hàn

Kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 02 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7m, kết cấu dần và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép. Ngoài mục đích giao thông, cầu sông Hàn còn có giá trị to lớn về mặt thẩm mỹ mà nhiều người nói rằng, nó đẹp như một bức tranh vẽ giữa lòng thành phố. Chiếc cầu quay đặc biệt này do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thiết kế, thi công giai đoạn 1998 – 2000. Điều đáng nói hơn nữa là kinh phí xây dựng Cầu Sông Hàn được sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân thành phố chiếm 30% trong tổng số kinh phí xây dựng là 117 tỷ đồng.

Để ghi nhận sự đóng góp của nhân dân thành phố, tên của những người có nhiều đóng góp xây cầu được khắc vào bảng đồng, gắn trang trọng trên thành cầu phía đường Bạch Đằng.

Cầu Sông Hàn không chỉ tạo thêm thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía đông thành phố mà còn là một dấu ấn văn hoá của người Đà Nẵng hôm nay gửi lại muôn đời con cháu mai sau. Từ đó, biểu tượng của Ðà Nẵng không chỉ có Ngũ Hành Sơn mà còn có cây cầu quay độc đáo này.

Những cây cầu bắc qua sông Hàn

Cầu Thuận Phước

Là cầu dây võng phía tây sông Hàn, cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng. Cầu được khởi công xây dựng từ ngày 16/01/2003 và khánh thành vào ngày 19/7/2009.

Cầu dây võng Thuận Phước dài 1,85 km, rộng 18 m, trụ cầu cao 90m với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, là chiếc cầu treo dây văng dài nhất Việt Nam hiện nay, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An.

Từ đó, một hệ thống giao thông – du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên – Huế. Nhìn từ mọi góc độ, cầu Thuận Phước đều mang một dáng vẻ hiện đại, lộng lẫy và đầy quyến rũ.

Những cây cầu bắc qua sông Hàn

Cầu Rồng

Được khởi công xây dựng ngày 19/7/2009, sau gần 4 năm thi công cầu Rồng được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 29/3/2013. Cầu Rồng có chiều dài 666,5 mét, nặng gần 9.000 tấn, 6 làn xe, 5 nhịp, hai làn đường dành cho người đi bộ với tổng vốn đầu tư 1.739 tỷ đồng. Cầu Rồng bắc qua Sông Hàn tại vị trí rất đắc địa, nối sân bay Đà Nẵng với bãi biển tuyệt đẹp.

Cầu Rồng có kiến trúc độc đáo mô phỏng hình con rồng thời Lý mạnh mẽ vươn ra biển, trở thành điểm nhấn quan trọng, là biểu tượng kiến trúc của thành phố. Nét đặc trưng của cầu dễ phân biệt đó là mô hình hệ thống kết cấu dầm thép dưới dạng một con rồng bay qua sông Hàn, hướng ra biển. Đây được cho là thiết kế độc đáo chưa từng có trên thế giới về kết cấu chịu lực là sự kết hợp giữa dầm thép, vòm thép và dầm bê tông.

Điểm nổi bật nữa của cầu Rồng là mọi người có thể chiêm ngưỡng rồng phun lửa, phun nước vào mỗi tối thứ 7, chủ nhật lúc 21h00. Một cảnh tượng rất đẹp mà du khách không nên bỏ qua.

Ý tưởng thiết kế dự án:

Thành phố Đà Nẵng với những bờ biển dài và đẹp đang phấn đấu trở thành thành phố du lịch. Do đó nhu cầu cấp thiết cần có một con đường kết nối thẳng từ sân bay đến phía Đông của thành phố, giúp du khách có thể đến với biển một cách nhanh nhất. Đặc điểm phía Tây dự án (trung tâm thành phố) là rất nhiều các công trình cao tầng đã được hoàn thiện, cùng với các công trình văn hóa cần phải được tôn trọng như Bảo tàng Chàm, chùa An Long. Do vậy, chỉ có một giải pháp duy nhất gắn kết công trình với thành phố là cây cầu này sẽ bắt đầu và kết thúc ở mép nước để đảm bảo không cản trở tầm nhìn, không phá vỡ các công trình kiến trúc cổ kính như Bảo tàng Chăm. Tuyến đường nối và cầu sẽ dẫn các phương tiện và con người đến thẳng quảng trường công cộng ở phía trước bảo tàng, cho phép bộ hành dạo chơi dọc bờ sông có thể lên thẳng cầu. Có thể nói, đề xuất của Tư vấn đã hoàn toàn gắn kết cây cầu vào với thành phố, tạo một sự hòa quyện đồng điệu giữa cổ điển và hiện đại.

Cầu Rồng bắt đầu với hình dáng cơ bản của vòm; một trong những hình dáng cổ điển nhất được sử dụng cho nhịp vượt sông. Điểm đặc biệt của thiết kế là áp dụng vòm liên tục, cả ở trên và dưới bề mặt đường trên cầu; một xương sống liên tục gợi cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một con Rồng trên sông. Vòm sẽ nâng giữ bản mặt cầu bằng các cáp được bố trí so le, cho phép phần đường và đường bộ hành như nổi trên sông. Tầm nhìn từ các phương tiện giao thông và của người đi bộ không bị che chắn bởi kết cấu của cầu. Thiết kế này kết hợp một hình dáng rất độc đáo của vòm với các công nghệ thiết kế cầu lớn hiện đại.

Một đặc điểm được xem xét đó là tính ưa chuộng “phong thủy” của người dân địa phương. Tự hào là “con Rồng, cháu Tiên”, một mô phỏng của hình dáng Rồng sẽ mang lại niềm tự tin cho cư dân địa phương. Thêm nữa, Long và Phụng là hai linh vật trong tâm niệm của người Á Đông, nếu nhìn sang cầu Trần Thị Lý mới, chúng ta sẽ thấy hình dáng của chim Phụng với 2 sải cánh bay bổng và thân mình hướng lên trên. Thêm một linh vật Rồng sẽ tô điểm thêm cho cảnh quan và niềm tự hào nơi mảnh đất này.

Những cây cầu bắc qua sông Hàn

Cầu Trần Thị Lý

Cầu được khởi công tháng 4/2010 và khánh thành đưa vào sử dụng tháng 3/2013. Cầu Trần Thị Lý có chiều dài 731m, chiều rộng 34,5m, chiều cao 145m với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Cầu Trần Thị Lý được thiết kế theo hình dáng cánh buồm trên sông Hàn.

Cầu có một trụ tháp bằng bê tông cốt thép nghiêng 12 độ và dây văng 3 mặt phẳng trong đó phần dây phía Tây bố trí xoắn không gian như các cánh buồm thể hiện nét độc đáo, hiện đại và khát vọng vươn lên của thành phố Đà Nẵng.

Ý tưởng thiết kế dự án:

Năm 2007, một cuộc thi phương án kiến trúc cầu Trần Thị Lý đã được thành phố Đà Nẵng tổ chức với sự tham gia của nhiều Công ty Tư vấn quốc tế và trong nước.

Những cây cầu bắc qua sông Hàn

Điểm đặc biệt trong Đồ án của WSP là đáp ứng được yêu cầu của Chủ đầu tư có một cây cầu độc đáo về kiến trúc và kết cấu với độ cao lớn để làm điểm nhấn về cảnh quan. Việc lựa chọn trụ tháp đơn nghiêng cao 145m và dây văng 3 mặt phẳng trong đó phần dây phía Tây bố trí xoắn không gian như các cánh buồm đã đáp ứng tốt yêu cầu này, thể hiện nét độc đáo, hiện đại và khát vọng vươn lên của thành phố Đà Nẵng. Đồ án cũng đã kết hợp thể hiện được kiến trúc hài hòa của nút giao thông phía Tây cầu, nơi có bố trí các lối đi bộ lên cầu cũng như bố trí tượng đài hai nhân vật lịch sử gắn với địa danh này là Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý. Đồ án kiến trúc của WSP đã đoạt giải nhất và WSP sau đó đã được giao nhiệm vụ thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật theo phương án được chọn trong cuộc thi thiết kế kiến trúc này.

Những cây cầu bắc qua sông Hàn
Những cây cầu bắc qua sông Hàn

Cầu Nguyễn Văn Trỗi

Là cây cầu có tuổi thọ lâu đời nhất, cầu gồm 14 nhịp giàn thép Poni dài hơn 500 m, khổ cầu 10,5 m, không có lề dành cho người đi bộ từng được sửa chữa năm 1978 và 1996. Hiện, cây cầu này được giữ lại như một kỷ vật của Đà Nẵng để phục vụ cho phố đi bộ.

Những cây cầu bắc qua sông Hàn

Cầu này do hãng RMK (Mỹ) thiết kế và thi công hoàn thành năm 1965. Việc lấy tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đặt cho cầu để tưởng nhớ người thực hiện cuộc đánh bom nhằm mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1964.

Các câu hỏi thường gặp liên quan

Cầu Rồng bắc qua sông nào?

Sông Hàn, Thành phố Đà Nẵng. Trên con sông này có tổng cộng 5 cây cầu.

Các cây cầu bắc qua sông Hàn

Cầu sông Hàn (cầu quay), cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi.

4.5/5 - (51 votes)
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments